Ngưỡng cửa là một phần không thể thiếu trong nhà 3 gian xưa. Ngưỡng cửa thường được làm cao hơn so với nền nhà với nhiều ngụ ý khác nhau. Trong bài viết ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa của ngưỡng cửa trong văn hóa, truyền thống của người Việt Nam.
Tìm hiểu ý nghĩa cửa bức bàn trong nhà cổ truyền
Vị trí của ngưỡng cửa trong căn nhà 3 gian xưa
Khi bước chân vào không gian căn nhà cổ truyền, ta quan sát phía dưới cửa bức bàn chính là ngưỡng cửa. Ngưỡng cửa hay còn gọi là xà ngưỡng là cấu kiện có nhiệm vụ liên kết dưới chân các cột con với nhau và thuộc loại xà nằm ngoài khung. Ngưỡng cửa sẽ đỡ lấy hệ thống cửa bức bàn phía trên, giữ cho hàng cửa được chắc chắn, kiên cố.
Trên thân ngưỡng cửa có đục chạm những họa tiết hoa văn nhỏ, đối xứng và lặp lại nhiều lần tạo thành một đường viền đầy thẩm mỹ và đẹp mắt. Hoặc có đôi khi phần ngưỡng để trơn, không đục chạm tạo sự đơn giản cho căn nhà.
Ngưỡng cửa của căn nhà 3 gian xưa thường cao khoảng 30cm, tính từ nền gạch. Đây chính là một nét đặc trưng của những ngôi nhà gỗ cổ truyền khi có phần ngưỡng cao hơn nền. Điểm này rất khác biệt với những ngôi nhà gỗ hiện đại ngày nay khi không có hoặc có phần ngưỡng cửa làm rất thấp.
Ý nghĩa ngưỡng cửa của ngôi nhà 3 gian xưa
Nếp nhà 3 gian cổ truyền không chỉ là một nơi ở của người dân, mà nó còn là không gian văn hóa nơi thể hiện những truyền thống văn hóa của dân tộc. Điển hình như ngưỡng cửa nhà 3 gian xưa mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau như:
Ngưỡng cửa phân chia không gian bên ngoài và trong nhà
Đầu tiên, ý nghĩa nhìn thấy rõ nhất của phần ngưỡng cửa đó chính là phân tách giữa không gian bên trong và bên ngoài nhà. Trong căn nhà 3 gian xưa, phía trước ngưỡng cửa là khu vực hiên và sân nhà. Còn khi bước qua ngưỡng cửa khác đến chơi sẽ tiến vào phần nội thất bên trong.
Ngưỡng cửa ngăn động vật, gia súc không tiến vào trong nhà
Việc ngưỡng cửa của những ngôi nhà 3 gian xưa thường được làm cao để ngăn cho lợn gà tiến vào bên trong nhà. Đây cũng là một ý nghĩa quan trọng gắn liền với thực tiễn của người dân.
>Xem thêm: Tìm hiểu về quá trình sàm đóng nhà gỗ 3 gian cổ truyền
Ngưỡng cửa thể hiện sự tôn trọng của khách đến chơi
Một ý nghĩa nữa rất sâu sắc của ngưỡng cửa đó chính là cấu kiện này thể hiện nét văn hóa rất đẹp của người Việt: thể hiện sự tôn trọng của khách đến chơi với chủ nhà. Việc ngưỡng cửa được làm cao, khiến cho khách muốn bước vào nhà phải để ý xuống chân mình, nên sẽ cúi đầu nhìn tránh vấp ngã. Hành động cúi đầu thay cho một lời chào, sự tôn trọng của khách với chủ.
Trong văn hóa người Việt, việc đến nhà chào hỏi nhau là một phần không thể thiếu thể hiện lối ứng xử tốt đẹp của con người. Điều này không chỉ thể hiện trong đời sống mà còn ứng vào trong nếp nhà xưa.
Có ý nghĩa để mọi chuyện tốt xấu ở trong nhà
Khi dọn dẹp vệ sinh nhà, rác sẽ dừng lại ở ngưỡng cửa được thu lại và hót đi chứ không quét thẳng ra sân. Điều này có ý nghĩa những chuyện tốt xấu cũng chỉ trong phạm vi của nhà.
Làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian
Những nét hoa văn trên ngưỡng cửa góp vào không gian căn nhà 3 gian xưa vẻ đẹp nhẹ nhàng mà đậm tính thẩm mỹ. Đây cũng chính là một phần quan trọng trong việc làm tăng vẻ đẹp của không gian sống.
Chỉ từ một cấu kiện nhỏ là ngưỡng cửa trong căn nhà 3 gian xưa đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Có thể thấy ngôi nhà cổ truyền không chỉ là nơi để ở mà nó còn mang trong mình những nét đẹp văn hóa của người Việt.
Thông tin về kiến trúc Phúc Lộc
Hotline: 0936.247.222
Nhận tư vấn thiết kế: Th.s kiến trúc sư Nguyễn Huy Khiêm
Xưởng sản xuất: xã Cần Kiệm, huyện Thạch thất, Tp Hà Nội (dưới chân núi chùa Tây Phương)
>Tham khảo những video hay về kiến trúc nhà cổ truyền
>Tham khảo những dự án thiết kế đẹp mắt