Đình Chu Quyến có hệ mái đồ sộ, kiến trúc đại đình dựa trên 6 hàng cột to lớn, mái đình cong vút thể hiện sự thanh toát, ý chí vươn lên của người dân lúa nước.
Đình Chu Quyến nay thuộc thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tp Hà Nội. Đình Chu Quyến có không gian cảnh quan đẹp, nằm trên mảnh đất bằng phẳng ở rìa phía Tây của làng.
Về kiến trúc, đình Chu Quyến có hệ mái đồ sộ, lợp ngói mũi hài. Bờ nóc trang trí gạch hoa chanh, hai kìm nóc bằng đất nung và các đầu đao cong vút.
Đại đình là phần kiến trúc nổi bật nhất với 3 gian 2 chái, hệ khung gỗ dựa trên sáu hàng cột khá to lớn, các chân cột được kê trên các tảng đá và được chạm khắc khá kĩ lưỡng. Hai vì Nóc của gian giữa được làm theo kiểu chồng rường, các vì nóc của gian bên theo kiểu chồng rường-giá chiêng, các vì nách làm theo kiểu chồng rường, hiên thì dùng kẻ.
Xung quanh sàn, sập có hệ thống lan can gỗ thấp, thông thoáng, gác thờ được hình thành ở nửa sau gian giữa được bao bằng vách đố lụa.
Các bộ phận bằng gỗ trong đình Chu Quyến là những tác phẩm chạm khắc tinh tế với nhiều đề tài phong phú, phản ánh hiện thực cuộc sống mang giá trị nghệ thuật và nghiên cứu. Trên các xà, ván nong, cửa võng đều có chạm trổ hoa văn rồng, phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn chầu ngọc, rồng và người, rồng và hổ, hình chim phượng và đàn con quấn quýt bên nhau. Chủ đề sinh hoạt đời sống thế kỉ XVI – XVII sống động, từ cảnh người dắt voi, uống rượu đến cảnh gảy đàn, hát múa, chọi gà…
Đình Chu Quyến hiện còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng (1533 – 1788), Tây Sơn (1778 – 1802), Nguyễn (1802 – 1945) phong thần cho Nhã Lang Vương. Đình Chu Quyến không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng làng xã.
Quý khách có thể tham khảo thêm về kiến trúc đình Lỗ Hạnh đẹp độc đáo.
[khối id = “chan-trang”]